ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU
Khi tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục sở hữu trí tuệ, các tổ chức, cá nhân có thể sẽ không nhận được Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ đúng thời hạn theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ do đơn đăng ký của các tổ chức, cá nhân chưa đáp ứng yêu cầu về hình thức của đơn.
Thông thường, đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng yêu cầu về mặt hình thức, Cục sẽ ra thông báo về những thiếu sót của đơn được gửi tới các tổ chức, cá nhân yêu cầu các tổ chức, cá nhân sẽ thực hiện việc sửa đổi, bổ sung thêm tài liệu về một trong những thiếu sót sau:
+ Mẫu nhãn hiệu.
+ Danh mục hàng hóa sản phẩm.
+ Mô tả nhãn hiệu.
+ Hình thức của tờ khai.
+ Giấy ủy quyền nếu tiến hành đăng ký thông qua đại diện.
Trong giai đoạn hình thức các tổ chức, cá nhân trả lời Công văn của Cục cho một trong các phần nêu trên, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số điểm sau:
1. Mẫu nhãn hiệu.
Khi các tổ chức, cá nhân nhận được thông báo của Cục Sở hữu Trí tuệ về thiếu sót trong cách thức thể hiện mẫu nhãn hiệu. Trong trường hợp, các tổ chức, cá nhân trả lời thiếu sót liên quan đến mẫu nhãn hiệu cần lưu ý một số điểm sau:
+ Số lượng mẫu nhãn hiệu
Khi nộp đơn nhãn hiệu, ngoài 2 mẫu nhãn hiệu được gắn trên 2 bản tờ khai nhãn trong đó một đơn nộp Cục sẽ phải kèm theo 05 mẫu nhãn hiệu có kích thước giống nhau.
+ Kích thước:
Mẫu nhãn hiệu phải đáp ứng đúng yêu cầu không lớn hơn 80x80mm và không nhỏ hơn 20x20mm. Bên cạnh đó, tổng thể của nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mmx80mm được in trên tờ khai.
Đối với nhãn hiệu là hình ba chiều thì mẫu nhãn hiệu phải kèm theo ảnh chụp hoặc hình vẽ phối cảnh và có thể kèm theo mẫu mô tả ở dạng hình chiều.
+ Màu sắc:
Màu sắc của nhãn hiệu cần phải được thể hiện đúng với màu sắc yêu cầu bảo hộ. Trong trường hợp, nhãn hiệu yêu cầu không bảo hộ màu sắc thì mẫu nhãn hiệu phải được thể hiện dưới dạng đen trắng.
Màu sắc của mẫu nhãn hiệu phải thống nhất với phần mô tả nhãn hiệu trong tờ khai.
Mẫu nhãn hiệu không được chứa nhiều thành phần mô tả như tên các sản phẩm đăng ký, địa chỉ, số điện thoại của các tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, nhãn hiệu nộp trong đơn có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt).
Với trường hợp này, các tổ chức, cá nhân in 5 mẫu nhãn hiệu giống nhau và có kích thước, màu sắc đáp ứng đúng những yêu cầu nêu trên để thực hiện sửa đổi những thiếu sót về mẫu nhãn hiệu.
2. Tên, địa chỉ
Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc trả lời Công văn liên quan đến thiếu sót về địa chỉ cần chú ý những điểm sau:
+ Trong trường hợp, đơn đăng ký thiếu sót về họ tên và địa chỉ, các tổ chức, cá nhân cần nêu rõ họ tên và địa chỉ đầy đủ, chính xác. Các tổ chức, cá nhân lưu ý khi điền địa chỉ phải được điền một cách chi tiết và cụ thể, chi tiết đến số nhà hoặc xóm hoặc thôn.
+ Trong trường hợp, địa chỉ nêu trong đơn không tồn tại, các tổ chức, cá nhân có thể cung cấp tài liệu có xác nhận của cơ quan chức năng về việc thay đổi tên thôn, xóm của theo địa giới hành chính.
3. Phân loại danh mục hàng hóa sản phẩm dự định đăng ký nhãn hiệu.
Các tổ chức, cá nhân thực hiện phân nhóm danh mục hàng hóa sản phẩm dựa vào bảng phân loại quốc tế Ni-xơ 10, tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân chưa hiểu rõ được bản chất của các sản phẩm, dịch vụ nên thường dẫn đến thiếu chính xác nhóm dịch vụ và sản phẩm. Chính vì vậy, phần này Cục thường ra Công văn yêu cầu làm rõ các sản phẩm và dịch vụ mà các tổ chức, cá nhân dự định đăng ký. Trong phần này, để có thể trả lời thiếu sót liên quan đến việc phân nhóm, các tổ chức, cá nhân cần nắm rõ những nguyên tắc sau:
+ Sản phẩm đăng ký phải dựa vào chức năng và mục đích của chính nó. Trong trường hợp, sản phẩm không có chức năng, mục đích và không có bất cứ tiêu chí nào thì lấy vật liệu làm nên sản phẩm và phương thức hoạt động của sản phẩm đó.
- Các dịch vụ có thể phân loại dựa vào ngành hoạt động được chỉ rõ trong tiêu đề của các nhóm dịch vụ, nếu không có thì phân loại theo một dịch vụ tương tự trong nhóm theo vần chữ cái.
- Các dịch vụ cho thuê được phân cùng một nhóm với dịch vụ được cung cấp bởi phương tiện cho thuê.
- Các dịch vụ tư vấn, thông tin được phân loại cùng nhóm dịch vụ tương tự ứng với lĩnh vực tư vấn, thông tin.
- Các dịch vụ hàng hóa, mua bán, dịch vụ siêu thị tuy không được đề cập cụ thể tại bảng phân loại nhưng được phân loại dựa theo phần giải thích đi kèm của nhóm và được phân loại theo nhóm 35.
Việc phân số lượng nhóm hàng hóa/sản phẩm và các sản phẩm từ thứ 7 trở đi sẽ liên quan đến việc tính phí trong đơn đăng ký nhãn hiệu, vì vậy, tổ chức, cá nhân cần phân nhóm chính xác để không làm ảnh hưởng đến phần phí đã được tính trong đơn.
4. Mô tả nhãn hiệu
Các tổ chức, cá nhân tiến hành trả lời Công văn về thiếu sót trong phần mô tả nhãn hiệu, các tổ chức, cá nhân cần chú ý những yếu tố sau:
+ Màu sắc mô tả nhãn hiệu phải thống nhất với mẫu nhãn hiệu.
+ Nếu nhãn hiệu được cấu thành từ nhiều yếu tố thì phải chỉ rõ các yếu tố cấu thành và sự kết hợp giữa các yếu tố đó. Nếu nhãn hiệu chứa yếu tố hình thì phải nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình.
+ Nếu yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu màu thì phải chỉ rõ yêu cầu đó và nêu tên màu sắc thể hiện trên nhãn hiệu.
+ Nhãn hiệu có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt.
+ Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập.
5. Hình thức của tờ khai
Để tránh thiếu sót về hình thức của tờ khai đăng ký nhãn hiệu khi trả lời Công văn của Cục, các tổ chức, cá nhân cần phải lưu ý một số yêu cầu sau:
+ Tờ khai được nộp theo mẫu.
+ Tài liệu liên quan đến đơn đăng ký đều phải được làm bằng tiếng Việt.
+ Tờ khai đăng ký và tài liệu liên quan phải ghi số thứ tự trang đó bằng chữ số Ả-rập trong trường hợp tài liệu nhiều trang.
+ Tờ khai đăng ký và tài liệu liên quan phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, một cách rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xoá, không sửa chữa. Nếu trong tờ khai sai sót không đáng kể về lỗi chính tả, các tổ chức, cá nhân, có thể sửa chữa các lỗi đó, tuy nhiên, chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký, dấu xác nhận của các tổ chức, cá nhân.
+ Ngôn ngữ dùng trong đơn phải là ngôn ngữ phổ thông. Các ký hiệu, đơn vị đo lường, phông chữ điện tử, quy tắc chính tả dùng trong đơn phải theo tiêu chuẩn Việt Nam.
+ Tờ khai và tài liệu khác của đơn phải bảo đảm có đầy đủ các thông tin bắt buộc và thống nhất, bản dịch tiếng Việt của tài liệu đơn phải phù hợp với bản gốc.
+ Trong bản tờ khai các tổ chức, cá nhân cần phải lưu ý tờ khai phải có chữ ký và đóng dấu.
6. Giấy ủy quyền
Khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu thông qua Đại diện sở hữu trí tuệ hoặc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân khác, một trong những giấy tờ bắt buộc phải có là Giấy ủy quyền. Tuy nhiên, nhiều khi Giấy ủy quyền được nộp trong Cục vẫn còn thiếu sót, vì vậy, khi nhận được Công văn yêu cầu trả lời thiếu sót về Giấy ủy quyền, các tổ chức, cá nhân cần lưu ý một số điểm sau:
+ Tên, họ tên, địa chỉ đầy đủ của bên ủy quyền và bên được ủy quyền hoặc bên thay thế ủy quyền hoặc bên nhận tái ủy quyền.
+ Tên, địa chỉ của các tổ chức, cá nhân trong Giấy ủy quyền và tờ khai phải thống nhất với nhau.
+ Giấy uỷ quyền phải bao hàm nội dung công việc thuộc phạm vi uỷ quyền.
+ Thời hạn ủy quyền
+ Ngày ký Giấy ủy quyền
+ Chữ ký của người đại diện hợp pháp của bên ủy quyền.
Ngoài ra, trong đơn phúc đáp những thiếu sót mà Cục đưa ra một trong những vấn đề được nêu trên, các tổ chức, cá nhân khi tiến hành trả lời Công văn cần phải nộp phí yêu cầu sửa đổi, bổ sung tài liệu liên quan đến đơn đăng ký.
Để nhận được Quyết định thông báo hợp lệ của đơn đăng ký đúng thời hạn và tránh việc nhận được các Công văn yêu cầu trả lời những thiếu sót liên quan đơn đăng ký nhãn hiệu làm ảnh hưởng đến thời gian cấp bằng của đơn, các tổ chức, cá nhân nên thực hiện việc đăng ký nhãn hiệu thông qua Đại diện chính thức của Cục Sở hữu Trí tuệ. Như vậy, sẽ giúp các tổ chức, cá nhân, có thể nhận được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đúng thời hạn và đồng thời tiết kiệm được tiền bạc, rủi ro trong quá trình nộp đơn đăng ký nhãn hiệu.